Ngành y tế Trung Quốc đang trải qua chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 160 lãnh đạo bệnh viện bị bắt giữ tính từ đầu năm 2023.
Theo báo South China Morning Post, nỗ lực này nhằm chấn chỉnh hệ thống đang bị ảnh hưởng bởi tiền "lại quả", với hy vọng cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe và đổi mới sáng tạo của ngành y tế.
Dù vậy, động thái trên cũng dẫn đến tranh luận liệu nó có giúp khắc phục một số vấn đề tồn tại lâu hay không, như thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm dược.
Chưa đầy 10 năm trước, thuốc kém chất lượng tràn lan trên thị trường dược phẩm Trung Quốc và các công ty chạy đua tiếp thị, bao gồm các hoạt động bất hợp pháp như chi "hoa hồng" cho bác sĩ.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 2-2023 của ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) và ĐH Harvard (Mỹ) chỉ ra hối lộ chiếm hơn 2/3 trong số 3.546 trường hợp tham nhũng y tế công được đưa ra xét xử ở Trung Quốc trong giai đoạn 2013-2019. Khoảng 80% người nhận hối lộ là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hầu hết người đưa tiền lại quả là nhà cung cấp dược phẩm, thiết bị y tế và vật tư khác.
Nhân viên y tế đang làm việc tại một bệnh viện ở Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Việc đổ quá nhiều tiền vào tiếp thị khiến kinh phí dành cho nghiên cứu và phát triển không còn bao nhiêu. Các công ty dược phẩm Trung Quốc lâu nay bị chỉ trích vì dành tiền cho việc nghiên cứu và phát triển quá ít so với chi phí tiếp thị.
Ông Cheng Zengjiang, người sáng lập Tập đoàn Công nghiệp công nghệ sinh học Tonacea, cho rằng vấn đề bắt nguồn từ những năm 1990, khi Trung Quốc bắt đầu cắt giảm tài trợ, yêu cầu các bệnh viện hạn chế tăng giá dịch vụ.
Theo Thu Anh/ NLĐ
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-manh-tay-chong-tham-nhung-trong-nganh-y-te-20230827212428337.htm