4
/
79375
Giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay có giảm?
giam-lai-suat-dieu-hanh-lai-suat-cho-vay-co-giam
news

Giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay có giảm?

Thứ 4, 18/09/2019 | 07:40:57
714 lượt xem

Các ngân hàng thương mại đang chịu áp lực tăng lãi suất huy động trung và dài hạn để huy động vốn nên sẽ khó giảm lãi suất cho vay.

Từ ngày 16/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm...

Chia sẻ về động thái này của NHNN, chuyên gia tài chính - ngân hàng Bùi Quang Tín nhận định, việc giảm lãi suất tại thời điểm này phù hợp với xu hướng của thế giới khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và 19 Ngân hàng Trung ương khác trên thế giới đã giảm lãi suất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Theo ông Tín, việc giảm lãi suất vừa rồi không chỉ phù hợp với xu hướng từ bên ngoài mà cũng là cách để NHNN phát đi tín hiệu, tổ chức tín dụng có khả năng giảm thêm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đúng như cam kết cơ quan này đưa ra từ đầu năm là nỗ lực ổn định lãi suất cho vay và giảm lãi suất khi có điều kiện.

“Ngoài tác nhân từ bên ngoài, ngay cả ở trong nước, đã có nhiều yếu tố ủng hộ quyết định này như: lạm phát đang ở mức thấp, tỷ giá được điều hành ổn định trong thời gian qua. Đây là cơ sở để NHNN yên tâm hơn khi giảm lãi suất và không tạo áp lực lên tỷ giá, không lo ngại ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát”, ông Bùi Quang Tín phân tích.

giam lai suat dieu hanh, lai suat cho vay co giam? hinh 1

Lãi suất cho vay sẽ khó giảm trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: KT)

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho hay, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN trong thời điểm này là cần thiết và hợp lý, giúp tăng tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu, bởi hiện tại, lượng hàng xuất khẩu hạn chế hơn so với năm ngoái. Nếu điều kiện cho phép, NHNN có thể điều chỉnh thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế.

Giảm lãi suất là điều đáng mừng, tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn, hiện mức giảm chỉ 0,25%, sắp tới, nếu lãi suất các nước tiếp tục giảm thì liệu lãi suất của Việt Nam có giảm thêm nữa hay không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu lý giải, nếu các nước liên tục giảm lãi suất, tăng tỷ giá thì nhiều khả năng một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ bùng nổ. Khi đó nếu không giảm lãi suất, VND ổn định hơn so với USD nhưng lại gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu bởi nhập khẩu sẽ nhiều hơn từ đó làm tăng nhập siêu.

Quyết định giảm lãi suất vừa qua của NHNN chắc chắn có tác động đến lạm phát vì lãi suất thấp, các ngân hàng có thể vay nhiều hơn, lượng tiền lưu thông đẩy ra ngoài nhiều hơn làm tăng lạm phát. Tuy vậy, tác động này không nhiều.

Cũng theo ông Hiếu, hiện nay, các ngân hàng thương mại đang chịu áp lực tăng lãi suất huy động trung và dài hạn để huy động vốn nên cũng khó giảm lãi suất cho vay.

Muốn giảm lãi suất cho vay phải giảm lãi suất huy động, vì các ngân hàng phải giữ biên độ 3% chênh lệch giữa đầu vào đầu ra mới có lời. Mà điều kiện để giảm lãi suất huy động xuống là phải giảm lạm phát. Từ lạm phát cộng thêm biên độ khoảng 2% để có lãi suất huy động, từ lãi suất huy động cộng biên độ khoảng 3% để có lãi suất cho vay.

Như vậy, nếu muốn giảm lãi suất cho vay xuống 9%/năm, ngân hàng phải giảm lãi suất huy động xuống 6%/năm và đẩy lạm phát xuống 4%/năm. Nếu muốn lãi suất cho vay rất thấp 5%/năm phải đẩy lãi suất huy động xuống 2% và đẩy lạm phát xuống 0%.

“Một điều kiện nữa để giảm lãi suất cho vay là các ngân hàng phải có kế hoạch hoạt động hợp lý để tiết kiệm chi phí vốn. Hiện tại, lượng nợ xấu tại các ngân hàng vẫn còn rất nhiều, bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC. Nợ xấu đó là tài sản không sinh lời”, ông Nguyễn Trí Hiếu nêu rõ.

Theo nhận định chung của giới chuyên gia kinh tế, mức giảm 0,25 điểm phần trăm vẫn khá khiêm tốn so với các mức lãi suất hiện hành. Việc cắt giảm lãi suất điều hành khá thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay. Do đó, ảnh hưởng của động thái cắt giảm lãi suất điều hành tới mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ là không nhiều. Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm thận trọng./.

Theo Chung Thủy/VOV.VN

  • Từ khóa

Giải pháp đột phá cho kinh tế nhà nước

(Chinhphu.vn) - Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo." Đây là một nguyên lý nền tảng, thể hiện vai trò đặc biệt của khu...
12:04 - 27/07/2025
106 lượt xem

Thịt heo rớt giá, sức mua vẫn giảm vì dịch tả châu Phi

Giá heo hơi miền Nam tiếp tục giảm, hiện chỉ dao động từ 60.000 - 62.000 đồng/kg. Mức giá này giảm 10.000 đồng so với bình quân của hai tháng trước và...
17:35 - 26/07/2025
565 lượt xem

Giá vàng hôm nay, 26-7: Chưa dừng đà lao dốc

(NLĐO) – Giá vàng hôm nay tiếp tục giảm khi đồng USD tăng giá mạnh, nhà đầu tư ồ ạt chốt lời trong bối cảnh chính sách tiền tệ Mỹ tạo áp lực lên thị...
07:25 - 26/07/2025
826 lượt xem

Đua nhau đổi xe máy xăng lấy xe điện, các hãng đem xe xăng đi đâu?

Nhiều người thắc mắc sau khi bên thu xe máy xăng với số lượng khá lớn, các hãng sẽ mang số xe này đi đâu?
16:31 - 25/07/2025
1,240 lượt xem

Thủ tướng chỉ đạo ‘mở đường’ cho thanh long, hồ tiêu vào châu Âu

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xử lý thông tin,...
13:08 - 25/07/2025
1,236 lượt xem