9
/
178395
Làm việc cả chục năm thu nhập vẫn... dậm chân tại chỗ, làm sao để khá lên?
lam-viec-ca-chuc-nam-thu-nhap-van-dam-chan-tai-cho-lam-sao-de-kha-len
news

Làm việc cả chục năm thu nhập vẫn... dậm chân tại chỗ, làm sao để khá lên?

Thứ 3, 01/04/2025 | 14:59:00
1,992 lượt xem

Miệt mài làm việc cả chục năm nhưng mức lương vẫn chẳng có nhiều thay đổi là câu chuyện không hề hiếm gặp. Có cách nào để thay đổi thực tế này?

Làm việc chục năm, lương như vừa tốt nghiệp ra trường

Chị Nguyễn Thị Kim Hải (36 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết đã gắn bó với công ty đang làm việc (lĩnh vực thương mại dịch vụ ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) được hơn 10 năm, nhưng mức lương vẫn chỉ xêm xêm số tiền được nhận lúc vừa vào xin việc.

Cụ thể, mức lương khởi điểm của một thập kỷ trước là 8,5 triệu đồng. Đến nay, số tiền "nhích" hơn 800.000 đồng, là 9,3 triệu đồng.

Chị Hải cho hay: "Mức lương thì tăng nhỏ giọt, trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng cao, tiền thuê nhà, xăng xe, ăn uống đều đội giá, khiến cuộc sống khó khăn. Nhiều lúc tôi cảm nhận được sự chật vật nhưng không biết phải làm sao để cải thiện tình hình".

Chị Cù Thị Thương Thư (37 tuổi), ngụ ở 613 Lê Văn Việt (TP.Thủ Đức, TP.HCM), kể năm 2014 bắt đầu làm nhân viên hành chính nhân sự tại một công ty về xuất nhập khẩu trên đường Nguyễn Trung Trực (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) với mức lương 7 triệu đồng. Hơn 10 năm gắn bó, tiền lương vẫn "đứng yên chứ không hề nhúc nhích". Dù rằng khối lượng công việc ngày càng nhiều, áp lực cũng tăng theo.

Chị Thư chia sẻ: "Mỗi tháng nhận lương rất mừng, nên tôi không để ý đến số tiền. Cách đây không lâu, một lần được người thân hỏi về thu nhập, tôi mới giật mình khi tiền lương chẳng hề thay đổi".

Làm việc cả chục năm nhưng lương vẫn... dậm chân tại chỗ - Ảnh 2.

Cần nâng cấp bản thân, trau dồi kỹ năng, tay nghề... để có cơ hội nhận được mức lương tương xứng ẢNH: THANH NAM

Những câu chuyện giống như của chị Thư, chị Hải khá nhiều. Thậm chí có trường hợp, theo thời gian, tiền lương càng… giảm. Anh Nguyễn Đại Hưng (32 tuổi), làm nhân viên kho xưởng tại một công ty dệt may trên đường Lê Văn Chí (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết thời gian mới vào làm việc, nhận được mức lương 4,6 triệu đồng cùng một số khoản phụ cấp. "Thu nhập khi đó thu nhập được khoảng 7 – 8 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng có giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không có đơn hàng, chẳng có lương. Thời gian gần đây, đơn hàng ít, nên tiền lương cũng như thu nhập giảm đi đáng kể. Mỗi tháng, tôi nhận được tổng cộng 5 triệu đồng", anh Hưng cho biết và chia sẻ thêm: "Chính vì thu nhập ít nên cuộc sống đôi khi bế tắc".

Anh Hoàng Phú Bình (33 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết sau 10 năm làm việc nhưng thu nhập không thay đổi. Cụ thể, anh Bình gắn bó với một công ty công nghệ thông tin trên đường Lê Tấn Bê (Q.Bình Tân, TP.HCM) từ khi tốt nghiệp đại học ra trường đến nay. Nhưng mức lương vẫn là con số 8 triệu đồng.

"Mức lương ấy chỉ đủ sống chứ không thể dư giả. Không riêng gì tôi, mà nhiều bạn bè từng học chung cũng ta thán tình cảnh tương tự", anh Bình nói.

Chị Đặng Thị Bảo Yến (36 tuổi), tốt nghiệp trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho hay bản thân có kinh nghiệm làm việc 12 năm ở nhiều công ty khác nhau. Tuy nhiên khi tìm công việc mới, cũng chỉ được trả mức lương 11 triệu đồng mỗi tháng, không chênh lệch nhiều so với khi vừa tốt nghiệp.

Làm việc cả chục năm nhưng lương vẫn... dậm chân tại chỗ - Ảnh 3.

Có thể cải thiện thu nhập bằng những công việc làm thêm, bán hàng trực tuyến, đầu tư kinh doanh... ẢNH: HOÀNG HIỀN

Để được tăng thu nhập, phải làm sao?

Anh Trương Hoàng Khoa (37 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết sau 5 năm làm việc tại một công ty ở địa chỉ 364 Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM), cảm thấy tiền lương bị "đóng khung" ở mức 7 triệu đồng đã xin nghỉ việc, tìm nơi mới.

"Việc mạnh dạn, không ngại thay đổi ấy giúp tôi có được mức lương cao hơn. Hiện nay, tôi làm việc ở đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM) với mức lương gần gấp đôi. Cụ thể là 13 triệu đồng mỗi tháng", anh Khoa nói và chia sẻ: "Nếu cảm thấy mức lương không tương xứng, có thể tìm cơ hội mới tốt hơn. Chứ nếu ngại thay đổi công việc thì có thể phải đối mặt mãi với mức lương không cao".

Còn Phan Thị Minh Hiền (28 tuổi), làm việc ở 49 Phạm Ngọc Thạch (Q.3, TP.HCM), nói: "Khi cảm thấy mức lương không đủ sống, có thể cải thiện nguồn thu nhập bổ sung bằng cách làm thêm, đầu tư kinh doanh…".

Chị Đỗ Thảo Hạnh, phụ trách nhân sự Công ty TNHH xây dựng Nhà Đẹp (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nói: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến câu chuyện người trẻ đi làm nhưng tiền lương mãi dậm chân tại chỗ. Chẳng hạn như công ty không có lộ trình tăng lương rõ ràng. Năng lực, hiệu quả công việc của người lao động chưa đủ điều kiện để công ty điều chỉnh lương. Một số người trẻ thường có tâm lý an phận, không muốn thay đổi công việc cũng như chẳng dám đề xuất được công ty chi trả mức lương cao hơn…".

Chị Hạnh đưa ra lời khuyên: "Để được tăng lương, người lao động cần chủ động nâng cao tay nghề, năng lực, kỹ năng. Nếu cảm thấy bản thân đóng góp được nhiều cho công ty, hãy mạnh dạn chia sẻ tâm tư với lãnh đạo công ty, chủ động đàm phán, để nhận được mức lương cao hơn. Bên cạnh đó, cũng nên cân nhắc đến phương án tìm một công việc mới phù hợp với khả năng, có mức lương cao hơn".

Làm việc cả chục năm nhưng lương vẫn... dậm chân tại chỗ - Ảnh 4.

Người lao động có thể đề xuất mức lương phù hợp với năng lực bản thân ẢNH MINH HỌA: THANH NAM

Anh Nguyễn Phi Hùng, Phó giám đốc Công ty chế biến thực phẩm Minh Hà, H.Bình Chánh (TP.HCM), nói: "Đôi khi, chuyện mức lương không thay đổi sau chục năm chẳng phải vì công ty mà vì bản thân người lao động gặp vấn đề về năng lực. Cuộc sống ngày càng thay đổi, đòi hỏi người lao động cần nâng cấp bản thân bằng cách trau dồi nhiều kỹ năng mới, phải chủ động học hỏi. Trong nhiều lĩnh vực, người trẻ nếu có ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ sẽ dễ dàng được trọng dụng, tăng lương. Với lao động phổ thông, nếu nâng cao tay nghề, chăm chỉ, tận tâm cũng có cơ hội được nhận mức thu nhập cao".

Đối với những người trẻ cho rằng không muốn thay đổi việc làm, chỉ muốn sự ổn định, ngại nhảy việc, sợ rủi ro khi tìm công ty mới, anh Hùng cho rằng: "Cần phải xác định rõ, khi vật giá tăng cao so với 10 năm trước, mà lương vẫn không tăng, liệu có đủ để xoay sở trong cuộc sống hay không? Vì thế, nếu cảm thấy công việc hiện tại không có cơ hội được tăng lương dù bản thân đã nỗ lực, cố gắng, cống hiến rất nhiều, thì đừng ngại thay đổi môi trường làm việc để nhận được chính sách đãi ngộ tốt hơn. Dám thay đổi để không bị mắc kẹt trong một công việc với mức lương thấp".

Theo Thanh Nam/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/lam-viec-ca-chuc-nam-thu-nhap-van-dam-chan-tai-cho-lam-sao-de-kha-len-185250401121140088.htm


  • Từ khóa

Liên tiếp học sinh suýt sập bẫy 'việc nhẹ lương cao' sau thi tốt nghiệp THPT

Trong thời gian chờ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều học sinh lên mạng xã hội tìm việc làm thêm, nhiều em đã bị kẻ lừa đảo dụ dỗ vào bẫy 'việc nhẹ...
17:19 - 12/07/2025
268 lượt xem

Lực lượng Tàu ngầm, Không quân Hải quân sẽ tham gia diễu binh dịp Quốc khánh

Diễu binh, diễu hành dịp 80 năm Quốc khánh 2-9, ngoài các quân binh chủng diễu binh trên mặt đất, còn có khối xe tăng, tàu ngầm, tàu mặt nước của Hải...
16:44 - 11/07/2025
889 lượt xem

Toàn dân được khám sức khỏe miễn phí từ năm 2026: Người trẻ nói rất vui

Người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí ít nhất một lần mỗi năm, từ năm 2026. Thông tin này khiến nhiều người trẻ vui mừng.
14:44 - 11/07/2025
973 lượt xem

Nhận học bổng hơn 7 tỉ đồng nhờ dự án làm sách chữ nổi, sách xúc giác

Nguyễn Mai Vy, nữ sinh lớp 12 chuyên Nga, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đã chinh phục được học bổng từ Trường Mount Holyoke College (Mỹ). Học...
11:30 - 11/07/2025
1,020 lượt xem

Chuyện hiếm về trăng Sấm Sét ở Việt Nam: Trăng tròn nhất ngày 17 âm lịch

Trăng tròn tháng 7 này còn được gọi là trăng Sấm Sét. Thông thường, mặt trăng tròn nhất vào ngày 15 hoặc 16 âm lịch hằng tháng. Tuy nhiên lần trăng tròn...
09:57 - 11/07/2025
1,025 lượt xem