11
/
181771
Khối C phải tự cứu mình trước nguy cơ bị hắt hủi
khoi-c-phai-tu-cuu-minh-truoc-nguy-co-bi-hat-hui
news

Khối C phải tự cứu mình trước nguy cơ bị hắt hủi

Thứ 2, 16/06/2025 | 08:33:54
2,128 lượt xem

Khi tổ hợp C00 (hay khối C theo cách gọi cũ) bị hắt hủi, điểm tựa nào cho những bạn trẻ ở nông thôn hiếu học vượt khó, thiếu thốn điều kiện học hành vẫn nuôi dưỡng giấc mơ vào đại học?

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Trường đại học Sư phạm Hà Nội năm 2025 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Ngay bên thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2025, thông tin nhiều trường đại học loại bỏ tổ hợp C00 (văn, sử, địa) khỏi các tổ hợp xét tuyển khiến dư luận hoang mang, thí sinh chới với.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng vào cuộc yêu cầu các trường đại học giải trình. Nhiều trường đại học thông báo xét tuyển trở lại tổ hợp C00 đã phần nào làm yên lòng thí sinh.

Khi khối C bị hắt hủi

Dẫu vậy không thể phủ nhận thực tế khối C đang bị hắt hủi. Và thật khó để tổ hợp văn, sử, địa chen chân vào danh sách tổ hợp xét tuyển của các trường, cũng như cạnh tranh độ "hot" với nhiều tổ hợp khác trong mấy năm tới.

Tổ hợp C00 vốn là nền tảng của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn. Theo dữ liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn học được thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp năm 2025 nhiều nhất là lịch sử với 499.357 thí sinh, tiếp theo là địa lý với 494.081 thí sinh. 

Nếu bỏ xét tuyển khối C00 sẽ gây nên tình trạng không công bằng với thí sinh chọn sử, địa để thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Là một giáo viên ngữ văn trưởng thành từ tháng ngày dùi mài kinh sử ôn luyện khối C, tôi cảm thấy thật xót xa và ngậm ngùi nếu cánh cửa vào đại học của những bạn trẻ mê văn, yêu sử sẽ đóng sập trong tương lai.

Sinh trưởng ở vùng nông thôn, đâu phải bạn trẻ nào cũng đủ điều kiện để theo đuổi các lớp học thêm khoa học tự nhiên nâng cao, trung tâm bổ trợ kiến thức bài bản. Chính vì vậy, khối C truyền thống trở thành chiếc phao cứu sinh cho học sinh chạm tay vào cánh cửa đại học. 

Bao nhiêu năm qua, văn - sử - địa vẫn là lựa chọn của nhiều thế hệ học sinh, đỡ nâng giấc mơ học tập và nuôi dưỡng khát vọng nghề nghiệp.

Thế mà "chiếc phao" cho những bạn trẻ chọn tổ hợp C00 bởi đam mê ngành luật, sư phạm, báo chí, xã hội học phải chăng đã đến lúc phải tạm dừng trước dòng chảy công nghệ? 

Giảng dạy nhiều thế hệ học sinh, niềm hạnh phúc dung dị của người giáo viên dạy văn chính là thắp lên ngọn lửa niềm đam mê văn chương. Thương bọn trẻ thiếu thốn đủ bề vẫn đeo mang giấc mơ con chữ, nuôi dưỡng hạt mầm văn chương chờ ngày đâm chồi nảy lộc. Và nhịp cầu nối với cánh cửa đại học chính là tổ hợp C00, hay khối C truyền thống. Vậy mà…

Khi khối C bị hắt hủi, điểm tựa nào cho những bạn trẻ ở nông thôn hiếu học vượt khó, thiếu thốn điều kiện học hành vẫn nuôi dưỡng giấc mơ vào đại học?

Khi khối C bị hắt hủi, định kiến xem nhẹ các môn khoa học xã hội và nhân văn sẽ khoét sâu hơn những bất cập trong giảng dạy và định hướng nghề nghiệp vẫn âm thầm tồn tại dưới mái trường phổ thông.

Khi khối C bị hắt hủi, tình trạng mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực sẽ ngày càng hiện rõ, sự thiếu vắng các ngành học tôn vinh sự am hiểu văn hóa dân tộc, lịch sử truyền thống… sẽ nảy sinh.

Khối C phải tự cứu mình

Kỳ tuyển sinh 2025 nhờ Bộ Giáo dục và Đào tạo "tuýt còi" kịp thời nên nhiều trường đại học đưa tổ hợp văn - sử - địa quay trở lại. Nhưng xu hướng khối C bị loại bỏ vẫn là một nguy cơ trong mùa tuyển sinh năm sau. 

Thiết nghĩ, các trường đại học trong chiến lược tuyển sinh cần sớm công khai tổ hợp xét tuyển để học sinh định hướng chọn ngành, sắp xếp ôn luyện chứ đừng bao giờ đặt người học vào thế bị động.

Muốn vậy, các nhà quản lý giáo dục cần đảm bảo sự đa dạng của các khối thi, nâng cao vị thế của các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Tất nhiên, muốn thoát khỏi số phận bị "khai tử", bản thân khối C truyền thống phải tự cứu lấy mình. 

Đó là thay đổi cách dạy học và thi cử nặng tính lý thuyết, sa vào khuôn mẫu để rồi văn, sử, địa vẫn luôn bị đánh đồng là "môn học thuộc lòng", bị rỉ tai chê bai "học dốt môn khác mới phải thi khối này".

Trong thời đại đòi hỏi cao tư duy lập trình, phân tích dữ liệu, nếu việc dạy học các môn văn, sử, địa vẫn khư khư lối thầy đọc - trò chép, học thuộc lòng thì khối C bị hắt hủi là lẽ tất nhiên.

Ngữ văn không chỉ là những tiết dạy vô hồn theo hướng dẫn của sách giáo khoa, mà người thầy cần thắp lên ngọn lửa say mê văn chương trong từng tiết học bằng chính tài năng sư phạm của mình. 

Biến giờ học văn thành buổi phỏng vấn nhân vật, thiết kế cuộc đối thoại, dựng sân khấu hoạt cảnh, chuyển thể thành phim hoạt hình, luyện kỹ năng viết "thực chiến" theo các cuộc thi và phong trào sáng tác…

Lịch sử và địa lý không thể là môn học chi chít sự kiện cùng những con số phải ghi nhớ máy móc khiến học sinh luôn ta thán "khó", "khô" và "khổ". 

Lịch sử phải được dạy thông qua các câu chuyện kể về danh nhân, diễn đàn mở về các đề tài xâu chuỗi quá khứ nối liền với hiện tại… Địa lý phải được học trong sự kết nối với bản đồ số và góp phần thiết thực xây dựng đặc trưng vùng miền, phát triển văn hóa địa phương…

Hãy lấy lại vị thế của các môn học khoa học xã hội và nhân văn, thay thế lối "học để thi" bằng tư duy học để biết, học để hiểu, học để làm việc và học để chung sống!

Theo Trang Nguyễn/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/khoi-c-phai-tu-cuu-minh-truoc-nguy-co-bi-hat-hui-20250615122141883.htm

  • Từ khóa

Nhiều trường ĐH công bố điểm sàn xét tuyển thấp bất ngờ

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, các trường ĐH cũng đồng loạt công bố điểm sàn xét tuyển.
08:25 - 17/07/2025
3 lượt xem

Nhiều đại học công bố điểm sàn 15 cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn cho phương thức xét điểm kỳ thi...
07:36 - 17/07/2025
31 lượt xem

Chênh lệch độ khó trong đề thi giữa các môn nhìn từ phổ điểm

Nhìn vào phổ điểm các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không thể không băn khoăn khi độ khó giữa các môn có sự chênh lệch đáng kể. Đặc biệt...
08:13 - 17/07/2025
14 lượt xem

Thủ khoa chia sẻ "bí quyết" đạt điểm 30/30 thi tốt nghiệp THPT 2025

Thủ khoa đạt điểm tuyệt đối 30/30 Nguyễn Duy Phong là một học sinh trường huyện ở Hà Nội. Em cho hay cảm thấy vui và tự hào.
17:18 - 16/07/2025
413 lượt xem

Mức điểm sàn xét tuyển của các ngành

Vào lúc 15 giờ 30 ngày 16.7, phần 3 chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến 'Cách thức đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi tốt nghiệp' do Báo Thanh...
15:40 - 16/07/2025
462 lượt xem