190
/
182587
Dấu hiệu và biến chứng đột quỵ: Nam và nữ khác nhau không?
dau-hieu-va-bien-chung-dot-quy-nam-va-nu-khac-nhau-khong
news

Dấu hiệu và biến chứng đột quỵ: Nam và nữ khác nhau không?

Thứ 5, 03/07/2025 | 10:50:00
2,099 lượt xem

Đột quỵ là tình trạng tổn thương não do dòng máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu. Đáng chú ý, dấu hiệu nhận biết giữa nam và nữ đôi khi là khác nhau, dẫn đến việc phát hiện chậm trễ, nhất là ở nữ giới.

Bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ. Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ mỗi năm, trong đó, tỷ lệ người dưới 45 tuổi chiếm khoảng 10-15% và đang có xu hướng tăng.

Dấu hiệu và biến chứng đột quỵ: Nam và nữ khác nhau không?- Ảnh 1.

Đột ngột đau đầu dữ dội là dấu hiệu đột quỵ thường gặp ở nam giới ẢNH: AI

Các triệu chứng đột quỵ có thể không giống nhau ở 2 giới

Bác sĩ Nhất Duy cho hay, nhìn chung, nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nữ giới ở độ tuổi trẻ và trung niên. Điều này có thể liên quan đến lối sống không lành mạnh (tỷ lệ hút thuốc, uống rượu bia cao hơn) và một số yếu tố di truyền. Song, ở nam giới, các dấu hiệu điển hình thường dễ nhận biết hơn, như:

  • Yếu hoặc liệt nửa người (đặc biệt là tay hoặc chân).
  • Méo miệng, nói ngọng, khó hiểu lời nói.
  • Mất thị lực một bên mắt, mất thăng bằng.
  • Đột ngột đau đầu dữ dội.

Trong khi đó, ở nữ giới, ngoài các triệu chứng điển hình của đột quỵ như trên, còn có thể xuất hiện những triệu chứng “không điển hình”, dễ bị bỏ qua như:

  • Mệt mỏi đột ngột, thay đổi tâm trạng, lú lẫn.
  • Buồn nôn, nấc cụt kéo dài.
  • Đau ngực, khó thở nhẹ.
  • Mất ý thức thoáng qua hoặc ngất.

“Đôi khi các triệu chứng trên của nữ giới thường bị nhầm tưởng là stress hoặc liên quan bệnh tiêu hóa, nên dễ bị bỏ sót để can thiệp kịp thời. Đặc biệt, sau mãn kinh, nồng độ estrogen ở phụ nữ suy giảm, từ đó làm mất đi tác dụng bảo vệ thành mạch máu, khiến cho nguy cơ đột quỵ tăng lên đáng kể”, bác sĩ Nhất Duy nói.

Ngoài ra, phụ nữ còn có những yếu tố nguy cơ đặc thù như:

  • Mang thai và các biến chứng (tiền sản giật, sản giật).
  • Sử dụng thuốc tránh thai đường uống (đặc biệt là loại có chứa estrogen liều cao, ở người có hút thuốc).
  • Liệu pháp hormone thay thế sau mãn kinh.
  • Các bệnh nền như rung nhĩ, tăng huyết áp không được kiểm soát tốt.

“Sự khác biệt về cấu trúc mạch máu, sinh lý thần kinh và cách biểu hiện cảm xúc cũng là yếu tố khiến dấu hiệu lâm sàng ở nữ giới đôi khi khó nhận biết hơn nam giới. Vì những yếu tố trên, phụ nữ thường có triệu chứng đột quỵ không điển hình, dẫn đến chẩn đoán và điều trị muộn hơn. Tỷ lệ tử vong và tàn tật sau đột quỵ ở nữ giới cũng cao hơn”, bác sĩ Nhất Duy giải thích.

Dấu hiệu và biến chứng đột quỵ: Nam và nữ khác nhau không?- Ảnh 2.Image caption

Đau ngực, khó thở nhẹ có thể là dấu hiệu đột quỵ ở nữ giới ẢNH: AI

Biến chứng sau đột quỵ ở nam và nữ có khác nhau?

Theo đó, bác sĩ Nhất Duy cho biết, sau đột quỵ, nữ giới có xu hướng chịu biến chứng nặng hơn nam, bao gồm:

  • Khả năng phục hồi chức năng vận động kém hơn.
  • Tăng nguy cơ rối loạn nhận thức, sa sút trí tuệ.
  • Dễ trầm cảm, lo âu kéo dài.
  • Nguy cơ phụ thuộc vào người chăm sóc cao hơn (do yếu cơ thể, tuổi cao).

Trong khi đó, nam giới có tỷ lệ tử vong cấp tính cao hơn, đặc biệt là ở các ca xuất huyết não nặng. Tuy nhiên, nếu qua được giai đoạn cấp cứu, khả năng phục hồi lại có phần tốt hơn nữ do thường trẻ tuổi hơn và ít bệnh lý nền đi kèm hơn.

Quy tắc FAST - dấu hiệu nhận biết chung 

Theo khuyến cáo của Tổ chức Đột quỵ Mỹ (American Stroke Association - ASA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người dân nên ghi nhớ quy tắc F.A.S.T để nhận diện nhanh các dấu hiệu của đột quỵ:

F (Face - Khuôn mặt): Méo miệng, cười lệch, không đối xứng hai bên.

A (Arms - Tay): Yếu hoặc liệt một bên tay, không nâng lên được.

S (Speech - Nói): Nói ngọng, lắp bắp, khó hiểu, không rõ lời.

T (Time -Thời gian): Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên, cần nhanh chóng gọi cấp cứu ngay lập tức. Thời gian là yếu tố quan trọng nhất trong việc điều trị đột quỵ, càng sớm càng tốt.

Càng lớn tuổi, càng nên đề phòng đột quỵ!

Bác sĩ Lê Nhất Duy cho biết, tuổi tác là yếu tố nguy cơ không thể thay đổi quan trọng nhất của đột quỵ, vì:

Lão hóa mạch máu: Càng lớn tuổi, thành mạch máu càng trở nên xơ cứng và mất tính đàn hồi. Các mảng xơ vữa dễ hình thành hơn, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn.

Tăng huyết áp: Là yếu tố nguy cơ hàng đầu của cả đột quỵ thiếu máu cục bộ và xuất huyết não, gia tăng theo tuổi.

Rung nhĩ: Tỷ lệ mắc rung nhĩ tăng đáng kể ở người cao tuổi, gây ra sự hình thành các cục máu đông trong tim, có thể di chuyển lên não và gây đột quỵ.

Các bệnh đồng mắc: Người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý đi kèm như tiểu đường, tim mạch, mỡ máu cao, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Theo Như Quyên/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/dau-hieu-va-bien-chung-dot-quy-nam-va-nu-khac-nhau-khong-185250702222822163.htm 

  • Từ khóa

Hơn 30.000 ca sốt xuất huyết tại phía nam, 6 ca tử vong

Phía nam ghi nhận hơn 30.000 ca sốt xuất huyết, 6 ca tử vong. TP.HCM tăng nhiều nhất, ngành y tế tăng giám sát, xử lý ổ dịch trong mùa mưa.
17:16 - 15/07/2025
222 lượt xem

MC Hoàng Linh bị phạt 107,5 triệu đồng vì quảng cáo sữa

MC Hoàng Linh bị phạt hành chính 107,5 triệu đồng, phải tháo gỡ, xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin vì quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27 gây...
15:20 - 15/07/2025
270 lượt xem

Phát hiện tác dụng kỳ diệu khi uống dầu cá omega-3 mỗi ngày

Nhiều người uống dầu cá omega-3 mỗi ngày nhưng có lẽ chưa biết hết lợi ích tuyệt vời của nó.
14:42 - 15/07/2025
273 lượt xem

Bộ Y tế: Nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh nguyên liệu làm thuốc trên địa bàn và chỉ đạo các cơ sở bán buôn nguyên liệu...
11:11 - 15/07/2025
367 lượt xem

Chân đau nhức, mạch máu lộ rõ cảnh báo bệnh lý đang đe dọa 1/3 người trưởng thành

Thường xuyên bị đau nhức, phù chân sau một ngày dài đứng hoặc ngồi nhiều. Những dấu hiệu tưởng chừng đơn giản này có thể là biểu hiện của suy giãn tĩnh...
11:31 - 15/07/2025
354 lượt xem