190
/
176731
Người bệnh cúm nên và không nên ăn gì?
nguoi-benh-cum-nen-va-khong-nen-an-gi
news

Người bệnh cúm nên và không nên ăn gì?

Thứ 2, 24/02/2025 | 06:54:00
2,170 lượt xem

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của người bệnh cúm.

Bác sĩ Nguyễn Phối Hiền (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3) cho biết: Trong y học cổ truyền, cúm có thể được xếp vào nhóm chứng "cảm mạo", thường do "ngoại tà xâm nhập", điển hình là phong nhiệt hoặc phong hàn tác động lên phế và tỳ. Lựa chọn thực phẩm phù hợp với tính vị sẽ hỗ trợ tỳ, vị, phế, giúp giảm nhanh các triệu chứng cảm mạo. Ngoài ra, theo y học hiện đại, việc bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, hạn chế đồ ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ hay đường tinh luyện giúp tăng đề kháng và khả năng hồi phục.

Bác sĩ Hiền tư vấn các món ăn dành cho người đang bị cúm và những thực phẩm nên tránh trong thời gian này:

Thực phẩm nên ăn khi bị cúm

Cháo gà, súp gà: Giúp bổ sung protein, nước và chất điện giải, hỗ trợ phục hồi theo y học hiện đại. Gà có tính ôn, bổ tỳ và ích khí, giúp tăng sức đề kháng. Rửa sạch 200 gr thịt gà, luộc chín rồi xé sợi. Dùng nước luộc gà nấu cháo gạo tẻ (khoảng 50 gr gạo) ở lửa nhỏ. Khi cháo gần nhừ, thêm thịt gà xé, nêm gia vị vừa ăn. Có thể thêm hành lá, tiêu xay. Đối với món súp gà, có thể dùng nước hầm xương gà, thêm các loại rau củ (cà rốt, khoai tây) đã cắt nhỏ, nêm gia vị vừa ăn. Khi rau củ chín mềm, cho thịt gà xé sợi, nấu thêm vài phút.

Người bệnh cúm nên và không nên ăn gì? - Ảnh 1.

Súp gà giúp bổ sung protein, chất điện giải, tăng khả năng hồi phục ẢNH: CÁT ANH

Cháo hành, tía tô: Hành có vị cay, tính ôn, giúp giải cảm. Tía tô có tác dụng giải biểu, hỗ trợ làm ấm, phù hợp người bị cảm phong hàn. Vo sạch khoảng 50 gr gạo tẻ, cho vào nồi nấu cùng 400 - 500 ml nước. Khi cháo sôi và gạo bắt đầu nở, thái mỏng 2 - 3 tép hành (cả phần lá) và một nắm lá tía tô rửa sạch, cho vào nồi, nêm gia vị. Ăn nóng để giúp ra mồ hôi, giảm sốt.

Các loại súp rau củ: Chứa nhiều vitamin, khoáng chất, giúp thanh nhiệt, trong đó đặc biệt súp bí đao có tính mát, hỗ trợ giảm sốt. Hầm xương ống hoặc gà để lấy nước dùng. Sau đó, thêm rau củ cắt miếng (bí đỏ, cà rốt, khoai tây, bí đao…), nấu lửa nhỏ đến khi chín mềm. Nêm muối, ít hạt nêm, tránh dùng nhiều dầu mỡ hay gia vị cay nóng.

Bổ sung vitamin và khoáng chất: Trái cây giàu vitamin C (cam, quýt, bưởi, ổi...) giúp tăng sức đề kháng. Cam quýt giúp lý khí, kiện vị, thường dùng làm món tráng miệng hoặc pha nước ấm uống. Quả lê có tính mát, thanh phế, giảm ho và khô họng. Tài liệu Bản thảo cương mục ghi nhận lê có tác dụng nhuận phế, giải khát. Có thể ăn trực tiếp hoặc hấp chín với chút đường phèn để giảm ho. Gừng có tính ấm, dùng ở mức vừa đủ giúp làm ấm tỳ vị, tán hàn, giảm cảm giác buồn nôn, đầy hơi. Có thể pha trà gừng ấm hoặc thêm vài lát gừng vào súp, cháo.

Uống đủ nước, nước ấm và trà thảo mộc: Việc uống đủ nước giúp bù dịch, điều hòa thân nhiệt. Có thể sử dụng trà thảo mộc như tía tô, bạc hà, hoặc trà chanh mật ong để làm dịu họng, giảm ho.

Thực phẩm không nên ăn khi bị cúm

Thức ăn quá nhiều dầu mỡ, khó tiêu: Đồ chiên xào nhiều dầu mỡ gây quá tải cho tỳ vị dễ sinh đàm thấp. Chất béo bão hòa cao cũng có thể làm giảm hiệu suất hoạt động của hệ miễn dịch.

Thức ăn, đồ uống lạnh: Các loại thực phẩm, đồ uống quá lạnh có thể kích thích niêm mạc họng, tăng tiết dịch nhầy, gây khó chịu cho người bệnh. Ngoài ra, tính hàn còn cản trở quá trình phát tán tà khí.

Người bệnh cúm nên và không nên ăn gì? - Ảnh 2.

Uống trà thảo mộc giúp dịu họng, giảm ho ẢNH: CÁT ANH

Đồ uống có cồn, cà phê, chất kích thích: Rượu, bia, cà phê và nước ngọt chứa caffeine, chất tạo ngọt nhân tạo làm tăng tình trạng mất nước, ức chế hệ miễn dịch. Đông y cũng nhìn nhận rượu bia dễ gây thấp nhiệt, bất lợi cho phế, kéo dài thời gian phục hồi.

Thực phẩm quá ngọt, nhiều đường tinh luyện: Bánh kẹo, nước ngọt, đường tinh luyện làm tăng nguy cơ viêm, hạn chế chức năng miễn dịch. Việc ăn đồ quá ngọt dễ sinh thấp, ứ trệ tỳ vị, chậm hồi phục.

"Nếu có triệu chứng nặng hoặc kéo dài, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc kết hợp giữa thuốc kháng vi rút (nếu được chỉ định) và các bài thuốc cổ truyền (theo biện chứng luận trị) giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Người bệnh có thể trạng khác nhau hoặc có tiền sử dị ứng, bệnh nền nên trao đổi trước với bác sĩ về chế độ ăn. Người bệnh cần theo dõi sức khỏe, tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ, nghỉ ngơi điều độ và dùng thuốc (nếu có chỉ định) để nhanh chóng hồi phục", bác sĩ Hiền lưu ý. 

Theo Cát Anh/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/nguoi-benh-cum-nen-va-khong-nen-an-gi-185250223163751389.htm

  • Từ khóa

Từ 2026 người dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí

'Khám sức khỏe định kỳ là để người dân chủ động đánh giá tình trạng hiện tại, dự phòng, tầm soát, chẩn đoán sớm các bệnh lý có thể xảy ra, giúp ngành y tế...
07:59 - 10/07/2025
148 lượt xem

Bắt buộc kê đơn thuốc điện tử

Các chuyên gia đề xuất ban hành chế tài xử phạt đủ mạnh để buộc các cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc thực hiện nghiêm túc quy định kê đơn thuốc điện...
06:15 - 10/07/2025
153 lượt xem

Mức hưởng bảo hiểm y tế trong quân đội áp dụng từ tháng 7/2025

Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 63/2025/TT-BQP ngày 01/7/2025 quy định, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 01/9/2015...
15:22 - 09/07/2025
202 lượt xem

Loại thời tiết 'đáng chán' nhưng giúp bạn tăng mức độ hạnh phúc

Một nghiên cứu khoa học chứng minh loại thời tiết có thể giúp chúng ta tăng mức độ hạnh phúc, cải thiện khả năng tập trung và thậm chí ngủ ngon hơn.
14:46 - 09/07/2025
234 lượt xem

Nghiên cứu hiệu quả điều trị bệnh từ cây vông nem

Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc tiểu đường, trong đó có khoảng 55% số người bệnh đã bị biến chứng. Đáng chú ý, số người bị bệnh này đang gia...
12:50 - 09/07/2025
265 lượt xem