190
/
177168
Có phải cứ có mỡ máu là nguy hiểm, cần dùng thuốc?
co-phai-cu-co-mo-mau-la-nguy-hiem-can-dung-thuoc
news

Có phải cứ có mỡ máu là nguy hiểm, cần dùng thuốc?

Thứ 3, 04/03/2025 | 16:50:00
1,963 lượt xem

Mỡ máu được ví như kẻ thù của bệnh tim mạch, thế nhưng không phải ai có mỡ máu cũng phải dùng thuốc. Đặc biệt nguy hiểm hơn khi nhiều người tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Có phải cứ có ‘mỡ máu’ là cần dùng thuốc? - Ảnh 1.

Mỡ máu được ví như kẻ thù của bệnh lý tim mạch - Ảnh minh họa

Mỡ máu là gì?

Theo chia sẻ trên trang cá nhân của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ông từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến thăm khám liên quan đến "mỡ máu". 

Một số người ở vùng sâu, vùng xa thì thường dùng đơn thuốc cũ uống liên tục không cần kiểm tra. Có người lại tự xét nghiệm thấy chỉ số tốt nên bỏ thuốc. Nguy hiểm hơn là tự uống thuốc theo đơn của người khác.

Theo bác sĩ Hiếu, mỡ máu (lipid máu) là chất béo có trong máu, bao gồm cholesterol và chất béo trung tính (triglyceride). Cơ thể cần có chất béo để hoạt động bình thường, đây là thành phần chính của tế bào sống, là nguồn năng lượng của sự sống.

"Có thể khẳng định đừng ghét mỡ máu, không có chất này chúng ta không sống được đâu", bác sĩ Hiếu nhấn mạnh.

Vậy tại sao mỡ máu luôn là kẻ thù của bệnh tim mạch? Bác sĩ Hiếu lý giải lý do rất đơn giản là vì những mỡ xấu lắng đọng vào thành mạch máu gây hẹp, tắc mạch vành (nuôi tim), não, thận…

Do đó cần phải hiểu thế nào là mỡ xấu - tốt. Trong phiếu xét nghiệm sẽ có 4 hoặc 5 chỉ số liên quan mỡ máu. Trong đó cần lưu ý các chỉ số.

- HDL: Lipoprotein tỉ trọng cao, được tạo thành chủ yếu từ protein. HDL-C là cholesterol "tốt" vì nó lấy thêm cholesterol ra khỏi máu và vận chuyển đến gan. Gan sau đó sẽ thực hiện việc phân hủy cholesterol và loại bỏ ra khỏi cơ thể.

- LDL: Lipoprotein tỉ trọng thấp, chủ yếu được tạo thành từ cholesterol, nếu có quá nhiều LDL trong máu có thể gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe do đó gọi là cholesterol "xấu". LDL tăng cao sẽ kết hợp với các chất khác, tích tụ trên thành động mạch. Theo thời gian, chúng sẽ tạo thành mảng bám khiến lòng mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn.

- Triglyceride: Là chất béo trung tính luôn có ở trong máu do thức ăn chuyển hóa mỗi ngày và gan tạo ra. Triglyceride sẽ chuyển thành năng lượng để nuôi các tế bào, nhưng nếu triglyceride trong cơ thể quá nhiều sẽ đối diện nguy cơ mắc bệnh tim, mạch máu, viêm tụy cấp… 

Nói vậy để hiểu nó không quá tốt và quá xấu, chỉ khi lượng triglyceride rất cao mới là nguy cơ cho sức khỏe.

Điều trị rối loạn lipid máu thế nào?

Theo bác sĩ Hiếu, đối với các bác sĩ chuyên khoa, đương nhiên cần phải tuân thủ các hướng dẫn của hiệp hội chuyên ngành.

Tuy nhiên với kinh nghiệm bản thân, bác sĩ Hiếu khuyến cáo:

Thứ nhất, nếu bạn đã bị biến cố tim mạch, đặc biệt là tắc mạch (nhồi máu cơ tim, não, chi...) thì việc dùng thuốc hạ mỡ máu là bắt buộc theo hướng dẫn của bác sĩ. Vì vậy không cần quá quan tâm đến các chỉ số này.

Bên cạnh đó, kể cả những trường hợp chưa bị nhồi máu, tắc mạch nhưng nếu đã có chẩn đoán chính xác bị thiếu máu do hẹp và xơ vữa mạch máu thì việc điều trị giảm mỡ máu không chỉ là phương pháp dự phòng mà là để điều trị. 

Các nghiên cứu ngẫu nhiên diện rộng đã chứng minh hiệu quả giảm tỉ lệ tử vong hay tái nhập viện do các biến cố tim mạch của các thuốc giảm mỡ máu.

Thứ hai, khi bạn có mỡ máu loại xấu cao và mỡ tốt rất thấp, kèm theo các yếu tố nguy cơ tim mạch như béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, gia đình có người bị biến cố tim mạch, hút thuốc lá... việc điều trị là có lợi nếu bạn kiên nhẫn tuân thủ sử dụng thuốc.

"Còn nếu bạn không chắc chắn điều này tôi cũng không khuyên bạn dùng thuốc, vì việc bỏ điều trị (dùng thuốc xong rồi ngưng) còn nguy hiểm hơn rất nhiều, không khác gì chọc vào ổ kiến lửa", bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Thứ ba, nếu mỡ "xấu" tăng cao nhưng mỡ "tốt" không thấp. Hãy bình tĩnh khi quyết định uống thuốc, vì chưa có nghiên cứu nào chứng minh một mình LDL có thể làm tăng biến cố tim mạch ở người không có yếu tố nguy cơ và triệu chứng lâm sàng.

Dự phòng như thế là lợi bất cập hại. Cứ sống lành mạnh, chế độ ăn kiêng khem, tập luyện thể thao… chắc chắn sẽ tốt hơn dùng mấy viên giảm mỡ máu rồi bỏ.

Thứ tư, trường hợp bạn bị tăng triglyceride đơn độc. Loại mỡ vừa xấu vừa tốt này khiến ta vô cùng khó xử. Đặc biệt trên tờ xét nghiệm luôn có mức giới hạn bình thường rất thấp 1.7mmol/l, trong khi đó chỉ số của mình nhiều khi gấp 3 gấp 4 lần. 

Lúc này bạn cũng cần bình tĩnh. Nếu gia đình bạn không có rối loạn lipid máu di truyền với nhiều bệnh lý tắc mạch, chúng ta sẽ chỉ dùng thuốc khi hàm lượng này quá cao mà không giảm bớt ngay cả khi áp dụng chế độ ăn nghiêm ngặt.

Cẩn trọng khi uống thuốc và dừng thuốc

"Đã dùng thuốc thì không được tự ý ngừng lại, cho dù các chỉ số đã về bình thường. Cũng xin đề nghị các nhà hóa sinh xem xét lại giới hạn bình thường của triglyceride, không phải thể trạng, chủng tộc nào cũng đều có một giới hạn bình thường như nhau ở một mức thấp như vậy.

Cuối cùng lời khuyên của tôi cho các bác sĩ trẻ. Hãy thật thận trọng khi kê đơn hạ mỡ máu cho bệnh nhân không có dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng của thiếu máu do xơ vữa.

Đừng nghĩ mình đang cứu giúp bệnh nhân mà có khi lại làm hại họ. Một trường hợp tăng mỡ máu mà bị dừng thuốc đột ngột có thể hại đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của họ", bác sĩ Hiếu nhấn mạnh.

Theo Dương Liễu/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/co-phai-cu-co-mo-mau-la-nguy-hiem-can-dung-thuoc-20250304083839631.htm 

  • Từ khóa

Từ 2026 người dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí

'Khám sức khỏe định kỳ là để người dân chủ động đánh giá tình trạng hiện tại, dự phòng, tầm soát, chẩn đoán sớm các bệnh lý có thể xảy ra, giúp ngành y tế...
07:59 - 10/07/2025
128 lượt xem

Bắt buộc kê đơn thuốc điện tử

Các chuyên gia đề xuất ban hành chế tài xử phạt đủ mạnh để buộc các cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc thực hiện nghiêm túc quy định kê đơn thuốc điện...
06:15 - 10/07/2025
132 lượt xem

Mức hưởng bảo hiểm y tế trong quân đội áp dụng từ tháng 7/2025

Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 63/2025/TT-BQP ngày 01/7/2025 quy định, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 01/9/2015...
15:22 - 09/07/2025
187 lượt xem

Loại thời tiết 'đáng chán' nhưng giúp bạn tăng mức độ hạnh phúc

Một nghiên cứu khoa học chứng minh loại thời tiết có thể giúp chúng ta tăng mức độ hạnh phúc, cải thiện khả năng tập trung và thậm chí ngủ ngon hơn.
14:46 - 09/07/2025
216 lượt xem

Nghiên cứu hiệu quả điều trị bệnh từ cây vông nem

Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc tiểu đường, trong đó có khoảng 55% số người bệnh đã bị biến chứng. Đáng chú ý, số người bị bệnh này đang gia...
12:50 - 09/07/2025
250 lượt xem