190
/
179994
Cẩn trọng trào lưu trên mạng xã hội: Uống nước cốt chanh thải độc, trị bách bệnh?
can-trong-trao-luu-tren-mang-xa-hoi-uong-nuoc-cot-chanh-thai-doc-tri-bach-benh
news

Cẩn trọng trào lưu trên mạng xã hội: Uống nước cốt chanh thải độc, trị bách bệnh?

Thứ 5, 08/05/2025 | 10:10:00
2,117 lượt xem

Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều lời kêu gọi uống nước cốt chanh mỗi ngày, thậm chí uống thay bữa sáng để 'thải độc' cơ thể, giảm cân, tăng cường sức khỏe và thậm chí được quảng bá như một phương thuốc chữa bách bệnh.

Thạc sĩ - bác sĩ Võ Thị Tố Hi, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Gia An 115, cho biết chanh giàu vitamin C và chất chống oxy hóa, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng và cải thiện tiêu hóa. Tuy nhiên, để tận dụng lợi ích của chanh mà không gây hại, cần sử dụng đúng cách. Tiêu thụ lượng lớn nước cốt chanh trong thời gian dài có thể gây ra nhiều hệ lụy.

Những hệ lụy khi uống nước cốt chanh trong thời gian dài

Bào mòn niêm mạc dạ dày: Chanh có tính axit cao (pH khoảng 2-3). Uống quá nhiều, đặc biệt khi bụng đói, có thể làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày - tá tràng, trào ngược dạ dày - thực quản. 

Gây hại men răng: Axit citric trong chanh có thể làm mòn lớp men bảo vệ răng, khiến răng nhạy cảm, dễ ê buốt và tổn thương.

Ảnh hưởng đến thận: Chanh chứa citrate, giúp ngăn ngừa sỏi thận bằng cách ức chế sự tạo thành sỏi canxi oxalate. Tuy nhiên, nếu uống nước cốt chanh đậm đặc và không bổ sung đủ nước lọc, nước tiểu có thể bị cô đặc, làm tăng nguy cơ tích tụ khoáng chất (trong đó có oxalate từ thực phẩm), dẫn đến hình thành sỏi thận ở một số người.

Tăng nguy cơ mất cân bằng điện giải: Uống chanh liên tục, đặc biệt khi kết hợp nhịn ăn để giảm cân, có thể gây thiếu hụt kali, natri và các vi chất cần thiết, dẫn đến rối loạn điện giải.

Uống nước cốt chanh mỗi ngày: Thải độc, trị được bách bệnh hay rước bệnh? - Ảnh 1.

Lượng nước cốt chanh tươi được một người chia sẻ sử dụng uống vào buổi sáng ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Theo bác sĩ Ni, hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh nước chanh có khả năng giải độc gan, trị ung thư hay làm tan mỡ bụng. Chanh là thực phẩm hỗ trợ, không phải thuốc. Việc lạm dụng chanh hoặc áp dụng các phương pháp thiếu cơ sở khoa học có thể gây rủi ro cho cơ thể.

"Cơ thể con người có cơ chế tự giải độc qua gan, thận, hệ hô hấp và da. Để duy trì sức khỏe tốt và hỗ trợ cơ thể thải độc hiệu quả, nên thực hiện lối sống lành mạnh: ăn uống cân đối, uống đủ nước (khoảng 1,5-2 lít/ngày), ngủ đủ giấc (7-8 giờ/ngày), tập thể dục thường xuyên và khám sức khỏe định kỳ", bác sĩ Ni cho hay.

Uống nước cốt chanh mỗi ngày: Thải độc, trị được bách bệnh hay rước bệnh? - Ảnh 2.

Chia sẻ của một người uống 150 ml chanh một ngày ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Cơ thể chỉ hấp thụ một lượng vitamin C nhất định

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Châu Thị Anh, phụ trách khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP.HCM, cơ thể chỉ hấp thụ một lượng vitamin C nhất định tại một thời điểm, lượng dư thừa sẽ bị đào thải qua đường tiết niệu. 2.000 mg mỗi ngày được coi là giới hạn an toàn trên của mức tiêu thụ. Vượt quá lượng khuyến nghị hằng ngày của vitamin C có thể dẫn đến đau bụng, sỏi thận và tiêu chảy. Việc nạp vào cơ thể một lượng lớn vitamin C không đồng nghĩa với việc tăng cường sức khỏe vượt trội, mà ngược lại, có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.

Việc uống nước cốt chanh với liều lượng lớn, đặc biệt là khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe.

"Thay vì chạy theo những trào lưu thiếu căn cứ khoa học, mỗi người nên trang bị cho mình kiến thức y tế đúng đắn và tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để có những lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe của bản thân. Sức khỏe là một quá trình chăm sóc lâu dài và toàn diện, không thể dựa vào một phương pháp đơn lẻ được thổi phồng trên mạng xã hội", bác sĩ Anh khuyến cáo.

Uống nước chanh thế nào là phù hợp?

Pha loãng đúng cách: Pha 1 quả chanh (khoảng 2-3 muỗng nước cốt) với 200-300 ml nước ấm hoặc nước lọc. Không uống nước cốt chanh nguyên chất.

Lượng dùng phù hợp: Dùng 1-2 quả chanh mỗi ngày, chia thành 1-2 lần uống, tránh uống khi bụng đói.

Bảo vệ răng: Sử dụng ống hút để giảm tiếp xúc với răng, giúp bảo vệ men răng. Có thể súc miệng bằng nước lọc sau khi uống. Người có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng, trào ngược dạ dày, men răng yếu hoặc bệnh thận nên hạn chế hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Chanh chỉ là thực phẩm hỗ trợ. Để đạt sức khỏe tối ưu, cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng và không phụ thuộc vào một loại thực phẩm duy nhất.

"Chanh có thể là một phần trong chế độ ăn lành mạnh, nhưng không thay thế được điều trị y tế hoặc lối sống khoa học. Hãy sử dụng chanh đúng cách để tận dụng lợi ích và tránh rủi ro cho sức khỏe", bác sĩ Ni khuyến cáo.

Theo Lê Cầm/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/uong-nuoc-cot-chanh-moi-ngay-thai-doc-tri-bach-benh-hay-ruoc-benh-185250506102548072.htm 

  • Từ khóa

Từ 2026 người dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí

'Khám sức khỏe định kỳ là để người dân chủ động đánh giá tình trạng hiện tại, dự phòng, tầm soát, chẩn đoán sớm các bệnh lý có thể xảy ra, giúp ngành y tế...
07:59 - 10/07/2025
128 lượt xem

Bắt buộc kê đơn thuốc điện tử

Các chuyên gia đề xuất ban hành chế tài xử phạt đủ mạnh để buộc các cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc thực hiện nghiêm túc quy định kê đơn thuốc điện...
06:15 - 10/07/2025
132 lượt xem

Mức hưởng bảo hiểm y tế trong quân đội áp dụng từ tháng 7/2025

Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 63/2025/TT-BQP ngày 01/7/2025 quy định, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 01/9/2015...
15:22 - 09/07/2025
187 lượt xem

Loại thời tiết 'đáng chán' nhưng giúp bạn tăng mức độ hạnh phúc

Một nghiên cứu khoa học chứng minh loại thời tiết có thể giúp chúng ta tăng mức độ hạnh phúc, cải thiện khả năng tập trung và thậm chí ngủ ngon hơn.
14:46 - 09/07/2025
216 lượt xem

Nghiên cứu hiệu quả điều trị bệnh từ cây vông nem

Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc tiểu đường, trong đó có khoảng 55% số người bệnh đã bị biến chứng. Đáng chú ý, số người bị bệnh này đang gia...
12:50 - 09/07/2025
250 lượt xem