4
/
177267
Tính kế ứng phó trước 'đòn' thuế quan
tinh-ke-ung-pho-truoc-don-thue-quan
news

Tính kế ứng phó trước 'đòn' thuế quan

Thứ 5, 06/03/2025 | 11:27:56
2,063 lượt xem

Các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng lên phương án ứng phó chính sách thuế của ông Trump. Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?

Tính kế ứng phó trước 'đòn' thuế quan - Ảnh 1.

Hàng hóa của Mỹ được bán tại siêu thị ở TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

"Việt Nam đang có cơ hội lớn để mua nguồn nguyên liệu gỗ từ Mỹ, góp phần cân bằng thương mại song phương" - ông Chan John, giám đốc khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc đại lục tại Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC), chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Tăng mua hàng từ Mỹ

Là tổ chức thúc đẩy thương mại ngành gỗ cứng của Mỹ đến với các nhà sản xuất đồ nội thất và nhà thiết kế trên thế giới, ông Chan quan sát Việt Nam là thị trường còn "vô cùng tiềm năng" để mở rộng hợp tác với các nhà bán hàng từ Mỹ, đặc biệt khi Mỹ có nguồn cung gỗ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo tính bền vững. Khi nguyên liệu đầu vào đáp ứng được các tiêu chuẩn này, ngành sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam sẽ được nâng cao vị thế trong thương mại bền vững với Mỹ.

Năm 1995, giá trị gỗ cứng của Mỹ nhập vào Việt Nam là bằng 0. Đến năm 2024, con số này đã vượt mốc 300 triệu USD. "Không ai biết có hay không áp thuế, dù sao thì Việt Nam vẫn rất tiềm năng trong ngành công nghiệp gỗ trên bản đồ thế giới. Nguồn cung nguyên liệu gỗ cứng từ Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng vào Việt Nam", ông Chan nói.

Ông Ngô Sỹ Hoài, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng Việt Nam không chỉ là nhà xuất khẩu đồ nội thất lớn cho Mỹ mà còn là khách hàng tiêu thụ gỗ nguyên liệu lớn nhất cho Mỹ. Vị này kỳ vọng các hiệp hội và doanh nghiệp có thể tăng cường nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ với mức giá hợp lý từ Mỹ. "Hiện tại Mỹ sẽ không dễ dàng tìm được nhà cung ứng thay thế Việt Nam khi sản phẩm gỗ Việt đã xây dựng được niềm tin với các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ", ông Hoài nói.

Tìm cơ hội trong thách thức

Ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết thị trường Mỹ hiện chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc mở ra cơ hội để doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên ông Giang nhận định rằng xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam không đáng kể. Quan trọng hơn, toàn ngành dệt may hiện đang chịu tác động bởi ba yếu tố chính: sức mua toàn cầu chưa phục hồi khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, hàng tồn kho cao ảnh hưởng đến đơn đặt hàng mới từ các đối tác, thời gian giao hàng kéo dài gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng.

Theo ông Giang, để tránh rủi ro thương mại, một trong những giải pháp quan trọng là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngoài các thị trường truyền thống như Mỹ và châu Âu, doanh nghiệp cần khai thác tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào một số đối tác lớn. "Doanh nghiệp không thể chỉ tập trung vào một số khách hàng chính mà cần mở rộng mạng lưới đối tác để giảm thiểu rủi ro khi thị trường có biến động", ông Giang nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khánh - chủ tịch Hội Da giày TP.HCM - cho biết ngành da giày cũng có thể chịu ảnh hưởng nếu Mỹ thay đổi chính sách thuế quan. Để ứng phó với tình huống này, theo ông Khánh, doanh nghiệp cần có chiến lược linh hoạt, trong đó bao gồm việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng hợp tác đầu tư và tận dụng cơ hội từ các thị trường mới như Trung Đông. "Không thể đặt tất cả trứng vào một giỏ", ông Khánh nhấn mạnh.

Tính kế ứng phó trước 'đòn' thuế quan - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Hợp tác, không đối đầu

Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ, không đối đầu mà duy trì cạnh tranh lành mạnh. Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn - tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), sự gia tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ cùng dòng đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam sẽ góp phần thắt chặt quan hệ kinh tế song phương. Thương mại và đầu tư là nền tảng của quan hệ đối tác Việt - Mỹ.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 1-2025 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 9,8 tỉ USD, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước lên 11,1 tỉ USD. Thương mại song phương giữa hai quốc gia được kỳ vọng tiếp tục tăng, góp phần giúp hai nền kinh tế trở thành đối tác bổ trợ giá trị cho nhau.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho biết các hiệp hội ngành hàng và các đơn vị bán buôn, bán lẻ tại Mỹ đánh giá năm 2025 có thể là một năm đầy thách thức khi chính quyền Donald Trump mới nhậm chức.

Các lĩnh vực như dệt may, da giày, đồ gỗ có nguy cơ bị ảnh hưởng do các vấn đề liên quan đến lao động, lẩn tránh thương mại và chuyển tải xuất xứ.

Các bộ ngành và hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm giải pháp thay thế nguyên liệu, chủ động tham gia các hội chợ quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị phần.

Nếu các đối thủ cạnh tranh trực tiếp gặp khó khăn tại thị trường Mỹ thì đây có thể là cơ hội để hàng hóa Việt Nam gia tăng hiện diện. Tuy nhiên doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận thị trường bài bản, tránh tăng trưởng đột biến, nhằm hạn chế nguy cơ bị điều tra thương mại hoặc áp dụng các biện pháp phòng vệ từ Mỹ.

Việt Nam nhập siêu rau quả từ Mỹ

Ông Nguyễn Văn Mười, phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết Việt Nam hiện nhập siêu rau quả từ Mỹ. Trong năm 2024, Mỹ là thị trường cung ứng rau quả lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 1% thị phần rau quả nhập khẩu vào Mỹ.

Ông Mười đánh giá căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và Mỹ - Mexico - Canada có thể làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu song ít tác động đến ngành rau quả Việt Nam. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để gia tăng xuất khẩu sang Mỹ, mở rộng thị phần cũng như nhập nhiều hơn nữa các rau củ quả từ Mỹ. Tuy nhiên để tận dụng được cơ hội này, ngành rau quả Việt Nam cần đáp ứng rất nhiều yêu cầu khắt khe từ thị trường Mỹ.

Theo ông Mười, các doanh nghiệp cần tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và cải thiện chuỗi logistics để giảm chi phí vận chuyển, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo Nhật Xuân - Hồng Phúc/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/tinh-ke-ung-pho-truoc-don-thue-quan-20250306080506313.htm

  • Từ khóa

Giá heo giảm mạnh có phải do dịch bệnh?

Sau nhiều tháng duy trì mức cao trên 70.000 đồng/kg, khoảng 2 tuần nay giá heo hơi đã giảm khá nhanh. Liệu diễn biến này có phải do dịch bệnh đang bùng...
07:28 - 15/07/2025
19 lượt xem

Cục Thuế khẳng định không yêu cầu hộ kinh doanh nộp căn cước để cập nhật thông tin

Cục Thuế khẳng định không yêu cầu doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp căn cước hay giấy phép đăng ký kinh doanh, để cập nhật thông tin.
21:37 - 14/07/2025
265 lượt xem

Kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2025 của Trung Quốc tăng 7,2%

Sáng 14/7, Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức họp báo, thông tin về tình hình xuất nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2025.
16:51 - 14/07/2025
374 lượt xem

Thủ tướng: Thiết kế công cụ hạn chế mặt trái của thương mại điện tử, quản lý thuế

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phải thiết kế công cụ để quản lý, giám sát chất lượng hàng hóa, quản lý thuế, hạn chế mặt trái của thương mại điện tử.
16:00 - 14/07/2025
400 lượt xem

Thị trường gạo thế giới dự kiến tiếp tục chịu áp lực do nguồn cung lớn

Thị trường gạo thế giới dự kiến tiếp tục chịu áp lực từ nguồn cung lớn và cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu chủ lực như Ấn Độ, Thái Lan và Việt...
14:25 - 14/07/2025
441 lượt xem